Đề nghị cấm lưu hành thuốc lá điện tử

VHO- Hôm qua 25.5, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo “Cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe”, tại TP Phú Quốc (Kiên Giang).

Đề nghị cấm lưu hành thuốc lá điện tử - Anh 1

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đạo biểu đã được các diễn giả đến từ WHO, Bộ Y tế, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Viện dinh dưỡng Quốc gia, Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) trình bày các vấn đề: Tác hại của thuốc lá, các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2023-2024 và một số vấn đề cần thông tin truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá; Các sản phẩm thuốc lá mới, tác hại một số ca điển hình.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), thuế thuốc lá của Việt Nam hiện nay quá thấp (chỉ cao hơn Lào và Campuchia) và người hút thuốc lá có thể mua bất kể ở đâu. Điều đó gây khó khăn cho những người có ý định bỏ thuốc lá. Trong những năm gần đây, tình trạng hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tăng lên đáng kể trong các giới, nhất là giới trẻ. Bởi họ cho rằng hút thuốc điện tử hoặc thuốc lá nung nóng ít độc hại hơn và dần dần từ bỏ được thuốc lá. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng độc hại không thua kém thuốc lá và nhiều nước trên thế giới đã cấm thuốc lá điện tử. Ngay cả Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất thế giới đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm (gần như toàn bộ thuốc lá điện tử) từ tháng 10.2022. Vì thế TS Nguyên đề xuất, cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam

Không chỉ có thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng, tại Hội thảo còn đưa ra cảnh báo về tác hại của đồ uống có đường và xu hướng sử dụng ở Việt Nam. Theo đó, tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ gây ra 8 loại bệnh. Đó là thừa cân béo phì, đái tháo đường type 2, hội chứng rối loạn chuyển hoá tim mạch... và tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm nào có thêm đường. Còn trẻ em từ 2 - 18 tuổi tiêu thụ đường dưới 25 gam/ngày và đồ uống có đường không quá 235ml/tuần. Để hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 02/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn 2045. Trong đó, xây dựng quy định về ghi nhận dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em. Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng tác hại của rượu, bia, thuốc lá là vô cùng lớn. Biện pháp để hạn chế tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe là áp dụng đồng thời nhiều giải pháp, trong đó có tăng thuế thường xuyên nhằm hạn chế lượng tiêu thụ và tăng nguồn thu ngân sách Quốc gia. Theo số liêu của WHO, giá thuốc lá của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới (đứng hàng 157/161, theo số liệu năm 2020). Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan báo chí nên cụ thể hóa các tiêu chuẩn về đồ uống có đường; Vai trò của quản lý thị trường trong kiểm soát và phân phối các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe… 

 P.NAM

Ý kiến bạn đọc